[ABB] Công nghệ điện thông minh cho phát triển bền vững

Để đạt được cam kết Net Zero vào năm 2050, Việt Nam sẽ cần cắt giảm lượng khí thải carbon, cắt giảm ô nhiễm và thực hiện tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng hơn nữa trong thực tế.

Ông Đoàn Văn Hiển, Chủ tịch ban công nghệ điện, ABB Việt Nam khẳng định với những công nghệ mới nhất từ châu Âu, doanh nghiệp cung cấp giải pháp phân phối điện an toàn, thông minh và tiếp tục đồng hành cùng sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Thưa ông, trong bối cảnh thiếu hụt điện năng hiện hữu, ông đánh giá thế nào về mức độ quan tâm của doanh nghiệp Việt với vấn đề đổi mới công nghệ tiết kiệm điện năng?

Ông Đoàn Văn Hiển: Là một trong những nhà đầu tư châu Âu sớm nhất vào Việt Nam với 30 năm hoạt động, ABB nhận thấy khách hàng doanh nghiệp quan tâm hai vấn đề, thứ nhất là chi phí đầu tư công nghệ nguồn ví dụ như công nghệ sản xuất thực phẩm, ô tô…tùy nhà máy. Bên cạnh đó là chi phí đầu tư cho phần điện, phần này thường rất nhỏ so với tổng đầu tư của dự án, tối đa chỉ khoảng 5 – 8 %. Do đó, doanh nghiệp thường có xu hướng chọn những giải pháp điện năng có giá thành rẻ hơn. Trong khi đó, phần điện có vai trò giống như mạch máu của nhà máy, dự án, đặc biệt trong bối cảnh đang thiếu điện dẫn tới cắt điện xảy ra như hiện nay, các nhà máy, xí nghiệp gặp nhiều khó khăn, chúng ta cần có sự quan tâm đúng mức hơn đối với công nghệ điện đang sử dụng.

Thứ hai doanh nghiệp chỉ nhìn vào số tiền phải đầu tư ban đầu mà không nhìn thấy được tính hiệu quả khi có sự đầu tư đúng đắn về công nghệ điện cho cơ sở sản xuất của mình, Các chi phí bảo trì, chi phí tạm dừng sản xuất…khi xảy ra sự cố gây mất điện, dây chuyền sản xuất dừng hoạt động sẽ làm tăng chi phí này cao hơn rất nhiều lần so với chi phí đầu tư ban đầu.

Nhà máy sản xuất giải pháp phân phối điện của ABB tại Việt Nam

Từ thực tế này, ABB cung cấp giải pháp hỗ trợ thế nào cho doanh nghiệp, điểm khác biệt trong các sản phẩm của ABB là gì, thưa ông?

Ông Đoàn Văn Hiển: Một dự án sẽ bao gồm chi phí đầu tư ban đầu, chi phí vận hành và chi phí bảo trì. ABB cung cấp thiết bị và giải pháp toàn diện từ nguồn tới ổ cắm tin cậy, hiệu quả. Giải pháp quản lý năng lượng và tài sản Energy and Asset Manager của ABB phân tích và đo lường các dữ liệu để cho doanh nghiệp biết khoảng thời gian nào hoạt động với điện năng lớn nhất và ít nhất, giúp nhà vận hành bố trí được giờ sản xuất hợp lý hơn, có chiến lược phù hợp hơn để tiết kiệm chi phí tiêu thụ năng lượng cho nhà máy. Ngoài ra, hệ thống cũng cho biết tình trạng thiết bị và doanh nghiệp chủ động trong việc lên kế hoạch bảo trì để đảm bảo nguồn điện liên tục cho dây chuyền sản xuất.

Đặc biệt khi hệ thống điện tích hợp nguồn năng lượng tái tạo phổ biến như hiện nay không phải giờ nào cũng phát điện ở mức ổn định, giải pháp này mang tới cho nhà vận hành sự chủ động cao về quản lý lưới điện và vận hành sản xuất để tiết kiệm năng lượng.

Tất cả các sản phẩm của ABB đều được đặt theo tiêu chí phát triển bền vững do đó tiêu chí về tiêu thụ điện được đặt lên hàng đầu, các thiết bị và giải pháp của ABB giúp giảm chi phí vận hành khoảng 20% so với chi phí dự tính ban đầu.

Lợi ích là vậy nhưng không phải doanh nghiệp nào, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ có đủ tiềm lực để tiếp cận các giải pháp công nghệ tiết kiệm điện năng, thưa ông?

Ông Đoàn Văn Hiển: Với những khách hàng lớn họ có ba tiêu chí rất rõ ràng cụ thể là an toàn – bảo vệ môi trường – giảm thiểu được chi phí về năng lượng và bảo trì. Tuy nhiên, những doanh nghiệp nhỏ lại quan tâm tới chi phí ban đầu nhiều hơn. Đây là trở ngại lớn. Vì vậy chúng tôi đưa ra nhiều lựa chọn, hướng dẫn hỗ trợ giúp doanh nghiệp thấy được lợi ích thay vì chỉ chú trọng vào chi phí đầu tư ban đầu.

Vậy, ở góc độ doanh nghiệp, ABB có đề xuất kiến nghị gì để đẩy nhanh ứng dụng công nghệ số tại Việt Nam?

Ông Đoàn Văn Hiển: Chính phủ cũng như các cơ quan cần có lộ trình rõ ràng với những cơ chế phù hợp khuyến khích để hỗ trợ phát triển công nghiệp 4.0 tại Việt Nam. Đi kèm với đó là các tiêu chuẩn ví dụ như về phần điện hay tự động hoá đa phần các nước đã đều tuân thủ và sử dụng bộ quy chuẩn IEC.

Chính phủ cũng có thể cân nhắc các chính sách để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ. Đối với các doanh nghiệp này, chính phủ có thể đưa ra các ưu đãi về tài chính như giảm thuế suất trong một khoảng thời gian nhất định. Khuyến khích và thúc đẩy các trường đại học điện và công nghệ trao đổi, kết hợp với các doanh nghiệp có nền công nghệ tiên tiến, hỗ trợ đào tạo thế hệ kỹ sư mới với nền tảng kiến thức và thái độ làm việc chuyên nghiệp có tính sáng tạo cao.

Xin cảm ơn ông!

Theo: diendandoanhnghiep.vn

Bài viết liên quan